Đánh giá Pyrros_của_Ipiros

Pyrros không phải là ông vua giỏi trị nước, nhưng thường được xem là một trong những tướng đánh trận hay của phương Tây cổ đại. Plutarchus chép rằng Hannibal từng khen Pyrros là "vị tướng tài ba nhất từ trước thời nay".[12][41] Appian mô tả có phần hơi khác, cho rằng Hannibal xem Pyrros là vị tướng giỏi thứ hai thế giới, chỉ sau Alexandros Đại đế.[42].[30] Bên cạnh đó, Pyrros còn được biết đến vì đã làm tiêu hao rất nhiều sinh mạng binh tướng để đổi lấy những chiến thắng của mình. Câu nói của Pyrros sau trận Asculum đã trở thành nguồn gốc của thành ngữ "chiến thắng kiểu Pyrros" rất thông dụng trong văn hóa phương Tây, chỉ kết quả một trận đánh mà bên thắng chịu thiệt hơn bên thua và có khả năng trở thành người thua chung cuộc.[21][28][43]

Minh họa về Pyrros trong Young Folks' History of Rome, được Charlotte Mary Yonge thực hiện.

Pyrros cũng là một nhà lý luận quân sự, đã bày tỏ quan điểm quân sự của mình qua hồi ký và một vài binh pháp. Theo Plutarchus, Pyrros say mê quân sự đến mức ông không bận tâm với một điều gì khác. Khi có người hỏi Pyrros rằng ai là người thổi sao hay nhất trong cung đình của ông, Pyrros trả lời Polyperchon là một tướng giỏi.[44] Những tác phẩm quân sự của Pyrros giờ đây đã mất; tuy nhiên, theo Plutarchus, chúng đã ảnh hưởng lớn đến Hannibal,[41] không những thế, Cicero đã ca ngợi các binh pháp này là những "công trình tuyệt vời".[45] Ành hưởng của các binh pháp này đối với nền quân sự phương Tây cổ đại còn được thể hiện qua việc 200 năm sau khi Pyrros chết, quân đội La Mã vẫn phải nghiên cứu chúng.[46]

Sử cũ Hy Lạp nhận định Pyrros là người không biết xác định và theo đuổi mục tiêu cụ thể. Ông ham thích chinh phạt, nhưng lại không có sách lược quân sự, chính trị lâu dài. Pyrros mở nhiều chiến dịch quân sự ở châu Âu nhưng ông dễ dàng bỏ dỡ chúng nếu bị phân tâm bởi những viễn cảnh mới. Do đó, kẻ thù của Pyrros là Antigonos đã mô tả ông là kẻ chuyên chơi súc sắc, rất giỏi gieo súc sắc nhưng không biết phát huy lợi thế của mình.[20][23][43] Sử gia thế kỷ 19 Jacob Abbott kết luận, Pyrros "đã không làm nên điều gì", vì ông "không có kế hoạch, không có đường lối, không có mục tiêu, nhưng dễ cuốn theo những cám dỗ nhất thời...", vầ cuối cùng ông chỉ "thành công... trong việc giết hại vô số người, và chinh phạt nhiều vương quốc dù chỉ tạm thời và không vì hoạch định lâu dài".[4] Ngoài ra, một nhược điểm khác của Pyrros đó là sử dụng quá nhiều lính đánh thuê đắt tiền mà không duy trì một ngân khố dồi dào tại Ipiros.[23]

Tư cách

Theo Plutarchus, Pyrros là người rất rộng rãi với bạn bè và luôn giữ được sự điềm tĩnh, sẵn sàng tha tội cho những kẻ báng bộ ông. Ông luôn cố đền đáp công ơn của người khác. Một lần Pyrros được một người bạn tên là Aeropus giúp đỡ nhưng người này mất khi ông chưa kịp đền đáp. Điều này làm cho Pyrros đau khổ hơn là cái chết của người bạn đó. Một lần khác, khi nhà vua còn ở thành Ambracia, bạn bè Pyrros khuyên ông nên trục xuất một kẻ chẳng biết làm gì ngoài việc nói xấu ông, nhưng Pyrros trả lời: "Tốt hơn hết là nên để hắn ở đây và công khai nói những điều đó hơn là đi gieo rắc những tin nhảm nhí ở những nơi khác."

Trong một bữa tiệc rượu, vua Pyrros có hỏi một số người rằng họ có bình phẩm gì về ông không. Một người trả lời: "Có, chúng tôi có nói về ông, nhưng nếu có thêm rượu chúng tôi còn nói nhiều hơn nữa." Nghe vậy, Pyrros mỉm cười và để họ đi mà không trừng phạt.

Sử cũ của Plutarchus cũng thuật lại sự ân cần của Pyrros đối với một lãnh đạo của La Mã. Cuối năm 280 TCN, cựu tổng tài La Mã Gaius Fabricius từ Roma đến doanh trại Pyrros để thương nghị về việc thả tù binh La Mã. Nghe cố vấn Cineas nói rằng Fabricius là bậc hào kiệt hiếm có, nên Pyrros tỏ ra rất quý trọng Fabricius, cố thuyết phục Fabricius nhận một số vàng, nói đó chỉ là một cử chỉ biểu lộ lòng kính trọng và hiếu khách chứ không có mục đích xấu xa nào nhưng Fabricius lại từ chối mọi quà tặng.[47] Ngưỡng mộ sự thông thái tuyệt vời của Fabricius, Pyrros mời ông sang làm cố vấn của mình để đổi lại nhà vua sẽ thương lượng chấm dứt chiến tranh, nhưng Fabricius trả lời:[19]

Hỡi vua, điều này không mang lại điều tốt cho ông đâu. Một khi quân của ông biết rõ tôi, họ sẽ tôn tôi làm vua thay thế ông!.

— Fabricius

Pyrros không hề biểu thị sự tức giận nào khi nghe Fabricius nói vậy mà ngược lại, ông đã tuyên dương trí tuệ của Fabricius cho thuộc hạ nghe. Pyrros cũng cho Fabricius dẫn tất cả tù binh La Mã về Roma trong dịp lễ Saturnalia.[19] Thái độ tử tế của Pyrros đã được Fabricius báo đáp. Khoảng năm 278 TCN, Fabricius nhận thư từ một thầy thuốc của Pyrros gửi cho Fabricius hứa sẽ hạ độc Pyrros, đổi lại Fabricius phải trả công xứng đáng. Nhưng Fabricius đã cùng tổng tài Quintus Aemilius gửi thư báo Pyrros, có đoạn:[19]

Caius Fabricius và Quintus Aemilius - hai Tổng tài La Mã gửi Pyrros. Hỡi vua, dường như ông đã không phân biệt được ai là bạn, là thù. Sau khi đọc thư này, Khi đọc bức thư này, ông sẽ ngộ ra rằng ông đang đánh nhau với những người chính trực, nhưng lại tin tưởng những tên xấu xá. Chúng tôi báo ông biết điều này mà không cần báo đáp, vì không muốn ông chết vì bị phản trắc. Điều đó sẽ làm giảm giá trị chiến thắng của chúng tôi.

Pyrros tin lời Fabricius, lập tức bắt giết người thầy thuốc phản bội.[19] Sau đó, ông sai Cineas sang Roma để trao trả những tù binh La Mã bị bắt sau trận Asculum.[20] Hai bên cũng nhất trí tạm ngưng chiến tranh để Pyrros sang Sicilia đánh Carthage.[20] Theo Plutarchus, trong các bạn bè, thuộc hạ của Pyrros, thầy thuốc nêu trên là người duy nhất làm phản ông.[20]

Pyrros có nhiều vợ, người đầu tiên là công chúa Ai Cập Antigona, sau đó ông cưới thêm con gái vua Paeonia, Bircenna con gái vua Bardilis xứ Illyria, và Lanassa con gái bạo chúa Agathocles xứ Syracuse. Với Antigona Pyrros có một con trai là Ptolemaios (295 - 272 trước Công Nguyên[20]). Lanassa cũng sinh hạ Alexandros II (vua Ipiros kế tục ông),[20] còn Bircenna thì sinh hạ Helenus. Các con Pyrros được huấn luyện quân sự rất khắt khe và chu đáo. Tương truyền khi một người con hỏi Pyrros muốn truyền ngôi cho ai, Pyrros trả lời:[48]

Cho người có lưỡi gươm sắc bén nhất.
— Pyrros

Các con gái của Pyrros là: Nereis (cưới Gelon xứ Syracuse), Olympias (cưới anh là Alexandros II) và Deidameia (còn gọi là Laodameia).[20]

Theo một tương truyền thì cái tên "Shqiptarë" (Những người con của đại bàng) của người Albania xuất phát từ một phát ngôn của Pyrros. Khi ai đó khen ngợi sự thần tốc của quân đội ông, Pyrros tự hào đáp rằng đó là chuyện thường vì các chiến binh của ông là "Những người con của đại bàng" và họ vận động trông như vua của các loài chim tung hoành trên không trung.[18]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pyrros_của_Ipiros http://classics.mit.edu/Plutarch/pyrrhus.html http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://www.gutenberg.org/etext/27240 http://www.livius.org/ap-ark/appian/appian_syriaca... http://www.livius.org/ps-pz/pyrrhus/pyrrhus01.html http://www.pen-and-sword.co.uk/?product_id=1941 http://books.google.com.vn/books?ei=t6bYTdKiDIWmuQ... http://books.google.com.vn/books?id=1_fwo9-URNEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=ByUJAAAAQAAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=PJ0YAAAAIAAJ&p...